<bgsound src="/Nhac Tho.mp3"/> Le Dinh



E-mail:
[email protected]






Tác giả:

CAU BAY









PHIẾM LUẬN





Mỗi khi xem phim ca nhạc, màn tấu hài của người MC chen giữa các pha trình diễn là phần Mobay thích thú nhất. Đặc biệt là phần giảng giải tích lớp văn chương và mục kể chuyện tiếu lâm của... chú Ngạn trên các băng nhạc của trung tâm Thúy Nga là mục mà Mobay hết sức tâm đắc. Chú Ngạn có biệt tài kể chuyện tếu mà nét mặt tỉnh queo, cái đó là cả một nghệ thuật, ăn tiền lắm. Có thêm chị Kỳ Duyên ngây thơ phụ họa cười cợt, khi chê chú già, khi ghẹo chú lùn thì vui kể gì! Người đâu mà uyên bác, duyên dáng quá chừng chừng vậy hổng biết!

Nhưng hôm nay thì khác. Mới vừa dứt bản nhạc, đến đoạn người MC vừa xuất hiện thì Mobay với tay cầm cái remote bấm nút…forward lẹ lẹ, mặt ngoảnh đi chỗ khác, dáng vẻ hờ hững chán chường lắm. Chuyện này coi bộ lạ! Cậu Bảy thấy vợ không vui bèn mon men lại gần hỏi:

- Băng mới có hay không em?

- Coi cũng được, có điều thứ gì coi riết rồi cũng ngán.

- Anh thấy mấy cô ca sĩ đó hay lắm chứ. Dốt âm nhạc như anh mà coi cả ngày cũng chưa chán nữa là!

Mobay nghe nói lộ vẻ bất bình, bèn tắt máy cái rụp rồi nói:

- Anh chả biết nghệ thuật gì cả! Ca nhạc thì nghe là chính, xem là phụ. Ai đời xem ca sĩ hát mà ông cứ dòm đâu đâu, họ hát cái gì cũng chả thèm biết.

- Liền ông mà em! Anh tham quan các vùng nhạy cảm chút xíu, họ có lòng bày ra mà mình làm ngơ thì coi bộ cũng không phải là kẻ biết yêu… nghệ thuật. Mà này, anh coi bộ độ rày em không thích ca nhạc nhiều như xưa thì phải.

- Thì em đã nói, tình hình ca nhạc của người Việt mình hình như bế tắc. Lâu lắm rồi không thấy sáng tác mới nào hay, ca sĩ hát như trả nợ và người dẫn chương trình thì đơn điệu. Họ không có đổi thay gì mới mẻ cả.





"Chú..Ngạn" Nguồn: OntheNet



- Vậy chớ chú Ngạn, chú Nam Lộc, chị Kỳ Duyên của em “retire” cả rồi hay sao?

- Em cũng không biết nữa. Nhưng thấy “chú” với “chị” riết rồi cũng lờn! Em nghĩ đã đến lúc chú Ngạn nên trở về với văn chương, chú Nam Lộc nên về …sở di trú, còn mấy vị luật sư (nếu còn trong luật sư đoàn) thì thì nên về với…tòa án kẻo uổng công ăn học!

- Thì cũng nghề tay trái cả mà em. Với lại có lẽ cũng tại mấy vị thân chủ cắc cớ, không mướn họ hùng biện tại tòa mà lại thích xem họ hùng biện trên sân khấu nên mới có chuyện luật sư đi mần MC. Mà có sao đâu, nhất nghệ tinh nhất thân vinh mà.

- Thì có sao đâu, nhưng riết rồi ngán quá, không muốn coi nữa!

Nói nào ngay thì Cậu Bảy cũng hiểu là các trung tâm ca nhạc cũng cố gắng lắm. Nhưng sản phẩm nghệ thuật không phải là thứ dễ sản xuất… đại trà như khoai mì. Nhạc sĩ không có tâm hồn, không có cảm xúc thì dù rành nhạc lý tới đâu đi nữa cũng không thể có tác phẩm hay. Ngoài ra, thời đại này vai trò của người MC thật là quan trọng. Có lẽ không ai phủ nhận sự thành công của một show ca nhạc, hay ngay cả một buổi hội thảo, đều có sự đóng góp to lớn của người MC điều khiển chương trình. Nhưng tìm một người MC hay quả là khó, bên cạnh sự rèn luyện, cần có năng khiếu bẩm sinh.

- Anh nghĩ mấy trung tâm cũng ý thức điều này, họ cũng có mở các đợi tuyển lựa MC đó chứ.

- Nhưng cũng chưa có ai thay được chú Ngạn!

- Thì tại em thần tượng chú ấy đó! Mỗi người có mỗi cái hay riêng chứ!

- Không có ai bằng chú Ngạn cả! Cái nước “tỉnh” của chú ấy thì khó kiếm lắm! Văn viết chú ấy đã hay, văn…nói còn hay hơn!

Câu chuyện đang dở chừng thì chuông điện thoại reo. Mobay, vốn hiếu khách, lại rất sính nghe phôn, chồm tới nhắc phôn rồi reo lên:

- Ủa anh Sáu! Lâu quá hén anh. Anh chị với mấy cháu lóng rày khỏe cả chứ?

Vừa nói Mobay vừa nhấn nút cái speaker cho Cậu Bảy cùng nghe. Đầu dây bên giọng anh Sáu Phong, như thường lệ, rầu rầu chậm chậm như muốn đứt hơi:

- Cám ơn cô dượng. Tui điện để trước thăm cô dượng, sau nữa xin lỗi là vừa rồi có ghé Mỹ mà kẹt không tới thăm cô dượng được. Lần trước thăm cô dượng mới đó mà có hơn cả năm rồi! Thời gian trôi mau quá!

- Vô tình thì thôi anh Sáu! Không đi được cửa trước thì đi cửa sau, chớ ai đời lâu lâu mới có dịp mà anh quên tụi tui, bộ anh bây giờ “lên đời” rồi quên tụi này hén.

- Đừng nghĩ xấu cho tui, cô dượng là máu thịt của tui, lẽ nào tui quên. Nhưng đợt rồi đến Mỹ tui đăng đăng đê đê công chuyện.

- Ủa! Tưởng anh lâu nay ngồi chơi thôi chớ, té ra cũng nhiều việc?











- Bận lắm á cô Bảy! Đến Niu Óoc lên tiếng mạnh mẽ về vụ Hoàng Sa xong thì phải tranh thủ gặp Obama, động viên ổng giải quyết vụ tù nhân bên Ga ta na mô na miết gì đó. Mà cái đảo đó thằng Mỹ là nó chiếm của anh Cuba, thì mình cũng dùng cái uy thế của mình mà đòi lại cho ảnh. Nếu anh Cuba không muốn thì mình giao cho đồng chí Trung quốc giữ cho chắc, chứ nhất định không để cho thằng Mỹ; cái đó là mình cần quán triệt như thế, bác đã dạy như thế. Kế đến tui qua bên Cuba để chia lại phiên gác với mấy ảnh. Quả đất nó ác nhơn, cứ quay vòng vòng mãi mà không chịu dừng nên tụi tui phải thay phiên nhau gác, mệt cầm canh. Vừa xong thì lại lật đật chạy về để đón bà con mình bên bển về chơi. Đó, cái lịch, cái thời biểu của tui nó là như thế, là bận như thế. Đứa nào nói tui ngồi chơi xơi nước là đứa xấu bụng đó cô dượng à!

Cậu Bảy nghe anh Sáu là cà lập cập bèn nói chen vào:

- Chào anh Sáu! Tội nghiệp anh Sáu quá! Nghe nói anh bịnh rề rề hổm rày mà vẫn lo canh gác cho hòa bình thế giới thì tụi tui đây cảm động lắm! Thôi anh đừng canh chi cho xa có hại sức khỏe, anh lo gần gần chỗ bờ biển cho bà con mình đánh cá bình yên là tui mừng rồi.

Hình như nghe khen giọng anh Sáu Phong đâm hồ hởi:

- Việc đó cô dượng khỏi lo, bảo vệ biển Đông thì có mấy đồng chí Trung quốc xung phong phụ trách rồi. Cái tầm Việt Nam bây giờ là nó lớn lắm, cái đó là phải lo cho xa mới xứng cái vai vế đang lên của mình! À, dượng Bảy thấy lúc này tui khá không? Lúc trước bà con cứ chê tui cầm giấy đọc như con nít trả bài. Nay tui ứng khẩu rất tự nhiên, mấy đồng chí Cuba, phóng viên báo đài đều khen tui ăn nói đúng mức, đàng hoàng lắm!

Cậu Bảy hổm rày có xem trên youtube mấy đoạn anh Sáu cương ẩu, vừa mắc cỡ, vừa thương hại, mới lựa lời nhắc khéo:

- Cả thế giới họ khen anh can đảm, da mặt đạn bắn không lủng đó anh Sáu. Anh cương như vậy thì phát ngôn viên Nguyễn Phương Nga mới mạnh miệng được, mà bà chị ở nhà chắc cũng hãnh diện lắm. Nhưng giờ thì tui thấy anh cầm giấy đọc cũng hay đó.

Anh Sáu Phong vốn chậm tiêu, cả đời không phân biệt được đâu là phải, đâu là trái, đâu là lời khen, đâu là châm biếm nên khoe tiếp:

- Cô dượng biêt hôn, tui nói xong cả hội trường im phăng phắt, trố mắt nhìn tỏ vẻ ngạc nhiên lắm, đều cho cái tư duy là lạ, là hiếm lắm. Tất cả đều khâm phục cái trí tuệ Việt Nam mình. Cái đó là mình phát huy, cũng cố gắng mà vươn lên, mà ngang tầm với người ta. Mình ra ngoài mình phải cho thế giới thấy con cháu bác nó là như thế. Ấy, linh động nó là như thế!

Đến nước này thì Cậu Bảy nhắm anh Sáu vẫn chưa tỉnh, nhưng nghĩ tình cố cựu, ngại mích lòng nên nói sang chuyện khác:

- Có chuyện dẩy sao! Còn bữa nay anh gọi tụi tui thăm chơi hay có chuyện chi không?

- Mới xong cái Hội nghị Việt kiều nên cũng rảnh, tuần tới mới đi Va ti cân phân hóa nội bộ tòa thánh; bữa nay tui trước điện thăm cô dượng, sau hỏi thăm dượng Bảy chút việc.

- Chuyện chi đó anh Sáu?

Anh Sáu hạ giọng:

- Tui cũng sắp về hưu rồi, tính dọn qua bển ở cho gần cô dượng mí lại bà con ruột thịt của mình cho đỡ nhớ. Cái ước vọng của toàn dân mình nó là như thế. Mà cũng do cái tính của tui, thương lắm, tình nghĩa lắm. Mình dẫu sao cũng chung một bọc, mà nghe kể là bọc điều đó cô dượng. Cái đó là quí lắm, không phải ai cũng có. Một mẹ sinh ra thì gọi là anh em, mình cần nắm cái nguyên lý khách quan đó…

Cậu Bảy đâm hoảng khi nghe anh Sáu đòi nhận bà con:

- Thôi anh Sáu, thôi cho tui xin á anh Sáu. Anh nói trăng nói cuội với tui sao cũng được, nhưng nhận anh em ruột thịt thì tui xin bái. Anh nhận mấy thằng Tàu cộng làm anh em, mà tui với bọn đó thì nhất định không đội trời chung, tui nhận anh em với anh thì hóa ra tui anh em với tụi lưu manh đó hay sao? Cái đó khó lắm đó ông…anh Sáu à!!

Cậu Bảy vừa nói vừa để ý và cũng đoán mò là anh Sáu cũng có chăm chú lắng nghe. Ấy là Cậu Bảy muốn vừa khai trí cho anh Sáu mà cũng muốn phân hóa cái nội tình của ảnh! Anh Sáu nghe mắng im lặng một lúc rồi nói:

- Dượng Bảy à! Thôi thì việc đó mình cũng còn có cái nhìn khác nhau, để rồi mình tìm hướng giải quyết. Nhưng cái đó tui cũng không quan tâm lắm, đến đại hội đảng kỳ tới thì tui phủi tay rồi. Sắp tới không biết mần chi đây, cô dượng coi ở bển có việc chi hợp khả năng thì chỉ cho tui. Tui nghe nói ở Mỹ mà không đi làm chán lắm! Hay là dượng Bảy cho tui theo phụ cắt cỏ với được hôn?





"Hồn nhiên!" Nguồn: daylife.com



Giọng anh Sáu đầy trọng vọng, thiết tha làm Cậu Bảy xúc động quá, bất giác nhận ra một luồng hơi nong nóng trong bao tử hồn nhiên chạy dài xuống tận khúc ruột ngàn dặm mới chịu tan biến đi. Anh xin phụ việc cắt cỏ mà ăn nói khẩn thiết còn quá cha bác Hồ đi xin học trường thuộc địa. Thiệt là người khôn khéo!

Nhưng cái cảm xúc ấy không kéo dài lâu, chợt nhớ lại mấy lời anh Sáu dạy trí thức Việt kiều mới đây thì Cậu Bảy đâm lo. Để anh Sáu theo phụ việc không khéo bể nồi cơm, bèn tìm lời nhỏ nhẹ nói:

- Độ rày tui thấy anh cũng yếu rồi, nước da bủng rẹt, khí sắc coi bộ kém lắm. Tui đề nghị anh nghỉ cho khỏe rồi nhờ đứa nào đó nó viết… hồi ký hay tâm sự kiểu anh Sáu Dân. Màn đó coi bộ dễ kiếm tiền và nhân tiện “repair” cái “image” của anh luôn thể. Việc ấy hợp trào lưu, đúng qui luật, lại có tính tự xỉ rất cao!

- Dượng Bảy triết lý tiếng anh tiếng u bồi nghe ba trợn quá, tui đách hiểu. Nhưng mà ý tui mong được gần dượng để học hỏi. Tui học đã hết cái hồng của bác rồi, tui muốn học thêm cái chuyên của dượng nữa là hoàn hảo.

- Không được anh Sáu à. Chẳng phải tui hẹp lượng hay giấu nghề gì, nhưng anh theo tui thì không khéo cả hai ta đều mất việc.

- Dượng nói rõ rõ cho tui nghe coi.

- Thứ nhất là tui nói sơ qua về cái đạo đức con người nói chung, bên Mỹ nói riêng. Đó là mình không nên lợi dụng sự tin cậy của người khác để hại người ta. Tui nói thẳng như vầy, nghề cắt cỏ thường hay vô sân sau nhà người ta, dễ nghe thấy việc nhà của họ, tuy vậy việc mình mình làm, xong việc thì về, không nên xía vào chuyện nhà người ta. Ý tui sợ cái tính anh ưa thày lay, lỡ anh theo tui rồi quen thói ngồi lê đeo mách, đâm chọt, ngoài mặt giả bộ động viên an ủi mà bụng dạ lại muốn phân hóa cho gia đình người ta tan nát. Cái đó là tội lắm á. Hơn nữa, dù sao người ta cũng là đối tác làm ăn của mình, có họ mình cũng đỡ đói, mà…chơi như vậy thì nó dơ lắm, bần tiện, tiểu nhân lắm.

- Đừng lo! Tui đâu có ngu. Có nói gì thì dìa tới nhà tui mới nói, coi đứa nào ngu tui nổ chơi chớ trước mặt người ta tui lễ phép, khúm núm lắm. Mà thôi, nếu dượng không tin tui thì mỗi lần đi cắt cỏ dượng lấy băng keo bịt miệng tui lại là xong.

- Đâu được anh Sáu! Xứ này làm chuyện mọi rợ như vậy chỉ có nước vô tù, thiên hạ đào cả ba đời ra mà chửi. Mà giả thử có bịt miệng anh, chẳng lẽ tui trói cả tay anh hay sao?

- Hà cớ gì mà trói tay tui dượng Bảy?

- Để tui nói anh nghe. Xứ này tuy chưa được như đời Nghiêu Thuấn, nhưng con người phần lớn biết tự trọng, kẻ cắp không nhiều. Cái gì của mình, mình lấy, không phải của mình, mình không lấy. Đó là nếp sống văn minh, nó khác cái qui luật muôn đời anh dạy cho mấy ông bà trí thức Việt kiều mới dìa bển vừa rồi. Tui sợ hễ mỗi lần thấy người ta để đồ hớ hênh thì anh lại mượn đỡ. Tuy tui biết tính anh không tham, người Việt mình không phải tham nhất thế giới đâu á, cái đó nói tham là không phải! Anh Sáu nghe kịp không? Anh chỉ…lén mượn thôi, rồi anh thấy họ không đòi thì anh quên trả, bữa sau anh mượn tiếp, rồi cũng quên trả. Cái triêt lý sống đó anh cho là không phải tham, vẫn giữ trọn đạo đức bác Hồ. Nhưng anh Sáu à, đạo đức con người văn minh không giống đạo đức mà mấy anh học tập xưa rày. Cái gì không phải của mình mà lấy là bất lương, là ăn cắp nhất thế giới đó anh Sáu, thành ra tui thấy anh tui thương lắm mà cho anh đứng gần thì hổng dám. Tui nói như vậy anh thông chưa?

Anh Sáu Phong nghe Cậu Bảy cương quyết thì thở dài:

- Thế còn cô Bảy có ý gì giúp cho tui không?

Mobay nảy giờ nghe anh Sáu năn nỉ thấy cũng tội nghiệp, ngặt là không biết cách nào giúp cho anh, vì nghĩ đi nghĩ lại thì anh học hành chẳng tới nơi, nghề ngỗng chẳng có. Thế nên khi nghe anh Sáu hỏi, Mobay bí quá nói liều:

- Tui thấy anh có khả năng tấu hài mà nét mặt vẫn tỉnh queo. Tài đó chú Ngạn… của tui cũng chào thua. Thôi tui đề nghị anh ra ngoài này xin làm MC cho mấy trung tâm ca nhạc, có tiền mà con gái bu quanh nhiều lắm, đẹp lắm. Ý anh thế nào?





"Tui mà kể chuyện thì có... chó nó vỗ tay!" Nguồn: Vietnamnet



Anh Sáu thều thào:

- Thôi cô Bảy ơi! Tui mà làm MC, kể chuyện thì có... chó nó vỗ tay!

Cậu Bảy nghe anh Sáu bộc bạch rất thiệt tình, hốt hoảng:

- Ý trời! Đừng nói vậy mích lòng mấy vị Việt kiều mới dìa nước vừa rồi chớ anh Sáu!

- Dương Bảy khéo tốt lo! Bọn đó chỉ là thứ dòi bọ, giun dế tui dùng làm mồi nhử chim, câu cá. Chúng có tư cách, liêm sỉ khỉ mốc gì mà sợ mích lòng! Ba cái đồ … ơ ơ cô Bảy còn đó không, cho tui xin lỗi nghen. Thiệt tui ăn nói đôi khi tuy rất đúng mức nhưng chưa được đàng hoàng cho lắm. Thôi bye bye cho cô dượng nghỉ sớm nghen, không khéo cô dượng lại gây lộn với nhau rồi lại đổ thừa cho tui đó.



CAU BAY

San Diego, Dec 04, 2009.





Ý Kiến Đóng Góp



Thực hiện và kỹ thuật Website:

Lê Duy & Đan Thi



Free Web Template Provided by A Free Web Template.com